Hành trình đến với anh chị em khuyết tật và người nghèo Xứ Thanh

0

Từ khi còn học ở trường xã Hội Học tại Manila, Philipines, tôi đã nghe nói rất nhiều về chương trình phát thuốc và hỗ trợ gạo cho anh chị em khuyết tật, anh chị thuyền chài và anh chị em dân tộc thiểu số tại quê nhà.

Trở về quê hương năm 2008, tôi được Bề trên cử vào Ban bác ái của Hội Dòng và được cha giám đốc mời vào làm việc trong Ban Bác Ái của giáo phận. Tôi cảm thấy rất vui vì có cơ hội đến với anh chị em xấu số. Hơn nữa, tôi còn trở thành cánh tay nối dài của Hội bác ái để đem những món quà của hội cho họ. Những anh chị em xấu số này đang sống rải rác trên toàn giáo phận Thanh Hóa. Có nhiều người chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng, chưa một lần tự đứng lên được và cũng chưa một lần tự tay xúc cơm cho mình được. Mọi sinh hoạt phải nhờ vào sự trợ giúp của người thân. Lẽ ra những người này phải được hưởng một chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, trong số 1.345 anh chị em khuyết tật ho chưa hề được nhận sự giúp đỡ từ chính phủ. Trong khi đó, gia đình lại rất nghèo nên không thể đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho họ được. Ban bác ái chúng tôi dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể nào có đủ tài chính hỗ trợ cho tất cả mọi trường hợp cần đến sự trợ giúp.

Với sự cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ từ quý vị ân nhân xa gần. Nhờ vào sự trợ giúp đó, chúng tôi đã mua được một số xe lăn, xe lắc cho anh chị em khuyết tật và xe đạp cho các em học sinh nghèo. Những chiếc xe lăn, xe lắc đó đã trở thành những người bạn đồng hành của anh chị em khuyết tật. Hơn nữa một số người còn dùng những chiếc xe đó để đi bán vé số  hoặc đi cắt tóc rông kiếm sống. Hiện tại vẫn còn 70 lá đơn xin xe lăn, xe lắc của anh chị em khuyết tật mà chúng tôi chưa có thể đáp ứng được. Không những thế, chúng tôi cũng kêu gọi lòng từ tâm của quý vị để họ nhận được những kg gạo, những nhu yếu phẩm và còn có cơ hội khám bệnh và nhận thuốc miễn phí của nữa.

 

Cuộc sống của người khuyết tật là thế, còn cuộc sống của anh chị em thuyền chài cũng chẳng khá giả gì. Cả gia đình sống trong một chiếc thuyền nhỏ. Hằng ngày kiếm được con cá nào thì bán lấy tiền mua gạo. Mỗi khi chúng tôi đến thăm và tặng gạo, họ rất mừng như cá gặp được nước mới. Chúng tôi hỏi một cụ già sống một mình trong chiếc thuyền nhỏ: “cụ già rồi không đánh cá được thì lấy gì mà sinh sống?” Cụ trả lời, ” mỗi khi Sơ hoặc cha xứ cho được ít gạo nào thì ăn dè vậy.” Nghe cụ nói mà tôi không tài nào cầm nổi nước mắt.

 

Chúng tôi không những đi thăm và tặng quà cho anh chị em khuyết tật, thuyền chài mà còn cả anh chị em thuộc dân tộc thiểu số. Họ sống trên các sườn núi hẻo lánh. Mỗi lần lên trên đó, chúng tôi phải đi từ 8 giớ tối và đến nơi lúc 6 giờ sáng hôm sau. Đường xá xa xôi  hiểm trở. Từ đường cái vào bản phải đi bằng xe máy. Nếu chỉ cần trượt xe thì cả người lẫn xe đều rơi xuống vực thẳm. Vừa ngồi trên xe máy tôi vừa phó linh hồn. Khi xuống xe tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì biết mình đang còn sống. Dù mệt nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui vì đã đem niềm vui đến với họ. Nếu ai đã một lần lên bản Pá Púa thuộc huyện Mường Lát, sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đơn sơ chân chất của anh chị em dân tộc và cũng không thể nào không mủi lòng trước hoàn cảnh khổ sở của họ. Họ làm vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn. Thức ăn chính của họ chủ yếu là rau và muối. Nhiều khi họ phải ăn khoai hoặc sắn thay cơm.

Chúng tôi ước gì quý ân nhân xa gần tiếp tục mở rộng lòng từ tâm và giang rộng cánh tay để xoa dịu nỗi đau thương của họ.

Share.

About Author

Leave A Reply