Chúng tôi về với làng phong Quả cảm này trong những ngày cuối năm 2015. Với tiết trời miền bắc giá lạnh. Chúng tôi cùng thăm hỏi những cụ ông, cụ bà và những anh chị em đang sống tại làng phong này. Để cùng chuyển trao những món quà của anh chị em trên cộng đồng mạng xã hội facebook đã chia sẻ với các bệnh nhân như một niềm vui tất niên gửi tới những bệnh nhân phong nơi đây.
Làng Phong Quả cảm tọa lạc tại một ngọn đồi biệt lập khu dân cư tại xã Hòa Long – Tp Bắc Ninh. Làng phong hiện nay có 96 bệnh nhân, người lớn tuổi nhất năm nay đã ngoài 80 và người trẻ nhất của làng phong năm nay 24 tuổi.
Các bệnh nhân sống với nhau hai ba người một phòng. Cũng có những gia đình bệnh nhân phong họ sống thành từng căn nhà riêng biệt. Họ là những bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành về đây và họ đã nên vợ thành chồng với nhau và cùng sinh con cái.
Làng Phong này được xây dựng khoảng năm 1913 do các linh mục người Pháp thuộc Giáo Phận Bắc Ninh xây dựng. Trong làng phong này có một ngôi chùa và một ngôi nhà thờ là nơi các bệnh nhân thường lui tới để hướng tâm hồn mình với Thượng Đế.
Tìm hiểu tiếp chúng tôi được biết ngày đầu mới thành lập làng phong này do quý Linh Mục và quý Soeur của giáo phận Bắc Ninh chăm sóc và nâng đỡ các bệnh nhân, nhưng sau 1954 chính quyền miền bắc lấy lại khu vực làng phong ngôi nhà thờ cũng bị diện vào dạng phải tiêu thổ kháng chiến và bị phá hủy.
Sau năm 1954 khu làng phong này đã bị bỏ hoang một thời gian dài, mãi tới năm 1988 Tòa Giám Mục Bắc Ninh gửi một Soeur thuộc Tu Hội Thánh Tâm tới sống tại đây và giúp đỡ trực tiếp các bệnh nhân nơi đây.
Từ 1988 tới nay làng phong này dường như được hồi sinh lại một lần nữa. Bà Nguyện Thị Thiện năm nay 78 tuổi quê ở thôn Á Nữ xã Đại Đồng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Bà chia sẻ “ tôi vô đây năm 26 tuổi. Ngày trước chúng tôi không được ai quan tâm đói lắm cậu ah, nhưng từ ngày có Soeur Xuân tới đây giúp chúng tôi, chúng tôi được ăn no mặc ấm cậu ah… tôi vui lắm..”
Ông Đào Xuân Phú một bệnh nhân phong tại đây năm nay 86 tuổi chia sẻ “Làng phong này được các Linh Mục Bắc Ninh xây dựng vào khoảng năm 1913 – 1914, khi đó những bệnh nhân phong bị xã hội miệt thị và xa lánh, họ thường sống ở các xó chợ, gầm cầu, hay đầu đường, lang thang không nhà không cửa, mọi người xa lánh…” Bác nói tiếp “các Linh Mục đã quy tụ họ lại và xây dựng làng phong này để cho mọi người có chỗ ngủ nghỉ không phải lang thang…” ông chia sẻ tiếp. “ tôi vô đây năm 1952 ở đây được 65 năm rồi…”
Ông Nguyễn Đức Trí quê tại Vĩnh Phúc năm nay ông 85 tuổi ông vô đây từ khi ông 13 tuổi. Ông chia sẻ “ngày trước chúng tôi khổ lắm anh ah, khi phát hiện mình bị bệnh, chúng tôi bị mọi người xa lánh, không dám đi ra khỏi nhà anh ah, rồi tôi được đưa về đây ở cho tới nay…”
Trong khi trò chuyện với bác bác Nguyễn Văn Đức bác nói “ Cháu ah, hôm nay bác vui lắm, vui vì được các cháu tới thăm, vui vì được nhận quà, nhưng còn điều vui hơn nữa với các bệnh nhân phong nơi đây là được các cháu cầm tay và ôm bác, mỗi lần có người cầm tay bác đã thấy vui rồi, hôm nay cháu ôm bác, bác vui lắm cháu ah….” Bác nói tiếp. “ với những bệnh nhân phong có ai tới thăm và lại gần thôi thì đã vui lắm rồi cháu ah..”
Hôm nay chúng ta chuyển trao những phần gạo, mền, khăn len quàng cổ, và vớ ( tất) đến những bệnh nhân tại làng phong này. Tất cả những sự chia sẻ và công phúc này này là của quý vị chúng tôi chỉ là những người chuyển trao.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con đụng chạm được tới những bệnh nhân phong này mà xã hội loại trừ, tạ ơn Chúa vì chúng con đã được cảm nghiệm và trải nghiệm về sự chia sẻ gần gũi sự mặc cảm về bệnh tật. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con thấu hiểu được sự cô đơn của những người nơi đây…
Chính Chúa Giêsu đã trao ban tình yêu của Thiên Chúa qua việc chạm tay của Ngài (Mc 1, 40 – 45.) Khi chúng ta chạm vào người khác qua cái ôm đầy thân ái và ai ủi, qua sự gắn chặt của tình bạn, qua việc nâng đỡ lẫn nhau hay một sự chia sẻ dù rất nhỏ, chúng ta cũng có thể trao ban tình yêu của Thiên Chúa đến cho người khác.
Lậy Chúa xin cho chúng con mãi luôn biết chạm đến những người nghèo, người bệnh tật để cùng chia sẻ nỗi đâu với họ.
mana khanh